Câu 1: Tôi nghe nhiều người nói "lập trình để đọc mã vạch". Vậy có phải cần có một chương trình để đọc mã vạch ?
Trả lời: Cho tới nay, mã vạch chỉ có thể đọc được bằng một thiết bị duy nhất là Máy đọc mã vạch (barcode scanner). Bên trong máy quét đã có sẵn một chương trình để giải mã các loại barcode. Đó chính là chương trình dùng để đọc mã vạch. Các máy barcode scanner giao tiếp với máy tính thường qua 1 trong các cổng là: keyboard, USB và COM.
Nếu bạn có một máy quét mã vạch dùng cổng keyboard hoặc USB thì bộ phận giải mã của máy quét sẽ đưa thẳng mã số vào ngay tại vị trí con nháy bất luận bạn đang sử dụng chương trình gì. Điều này tương tự như khi ta đang gõ bàn phím.
Nếu bạn có một máy quét dùng cổng COM thì bạn cần phải viết một chương trình để chuyển đổi tín hiệu thu được tại cổng COM thành dạng văn bản. Lập "trình để đọc mã vạch" ở đây có nghĩa là vậy.
Còn nếu chúng ta muốn lập trình để giải mã các loại barcode, tức là chúng ta đã thực sự đi vào công nghệ chế tạo Đầu đọc mã vạch. Để lập trình giải mã các loại barcode chúng ta cần phải có kiến thức chuyên sâu về các loại barcode khác nhau. Đây là một vấn đề không đơn giản chút nào cả trong tình hình barcode của chúng ta hiện nay.
Câu 2: Máy quét barcode 1-D là gì, 2-D là gì ? Làm thế nào để phân biệt được chúng ?
Trả lời: Máy quét barcode 1-D là loại máy quét chỉ quét được các loại barcode tuyến tính, nghĩa là các loại barcode mà các vạch và các khoảng trống được sắp xếp theo thứ tự hàng ngang. Còn máy quét mã vạch barcode 2-D là loại máy quét các loại barcode 2 chiều như PDF-417, Maxicode, Data Matrix, Softstrip, Vericode v.v... và dĩ nhiên cũng quét được các loại barcode 1-D (xem Mã vạch). Để phân biệt máy quét 1D và 2-D, ta nhìn vào cửa sổ bắn tia sáng của chúng. Loại máy quét 1-D có cửa sổ bắn tia sáng hẹp và dài, loại 2-D có cửa sổ vuông vức hoặc tròn. Để phân biệt chính xác hơn ta phải cho máy quét hoạt động. Nếu máy bắn ra tia sáng hẹp và dài thì đó là máy quét 1-D, còn nếu máy bắn ra tia sáng chùm và rộng, thì đó là máy quét mã vạch 2D.
Câu 3: Làm thế nào để phân biệt được máy quét CCD và máy quét Laser
Trả lời: Máy quét CCD cho tia sáng dày cỡ 1cm và quét tầm xa dưới 8 inches (203 mm), thông thường chỉ khoảng 100mm, máy quét Laser cho ta tia quét rất mạnh khoảng vài mm và quét tầm xa có thể lên đến 8 inches hoặc hơn nữa (cỡ 12" trở lên)
Câu 4: Tôi muốn mua 1 máy quét barcode vậy thì tôi phải mua loại máy quét như thế nào ?
Trả lời: Lẽ dĩ nhiên bạn cũng phải cân đối giữa giá tiền và chất lượng của máy. Nếu bạn chỉ cần quét các loại barcode thông dụng với những kích thước barcode thông thường và không có yêu cầu gì đặc biệt thì bạn có thể chọn 1 loại máy đọc mã vạch giá rẻ cũng được. Nhưng nếu bạn có 1 yêu cầu gì đó tương đối đặc biệt thì bạn cần phải được tư vấn trước. Thường các loại barcode rẻ tiền không đáp ứng được các yêu cầu đặc biệt như:
- Không quét được các loại barcode 1-D đặc biệt, thí dụ như Postnet, Planet, ISBN, v.v...
- Không quét được barcode 2-D
- Không quét được các loại barcode có kích thước quá nhỏ (dưới 6 mil) hoặc quá lớn (trên 12")
- Không quét được ở khoảng cách xa (trên 8")
- Tốc độ quét không cao (dưới 100 scan/giây)
Thông thường, một loại máy quét đạt tiêu chuẩn phải có khả năng quét được các loại barcode thông dụng như sau:
- UPC-A, UPC-E
- EAN-13, EAN-8, EAN 128
- Code 128 các loại
- Code 39, Code 93
- Interleaved 2 of 5, Codabar, Pharmacode
Và một số loại khác, ít thông dụng hơn. Bạn nên tham khảo sách hướng dẫn sử dụng hay sự hướng dẫn tư vấn của nhân viên bán hàng để biết được loại máy nào phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình, tránh lãng phí hoặc mua phải máy k thích hợp với việc kinh doanh của mình.
Câu 5: Khi sử dụng máy quét barcode, tôi có cần phải cài driver và sử dụng phần mềm gì đặc biệt để quét barcode không ?
Trả lời: Không, bạn không cần phải cài driver gì cho máy quét barcode cả cũng như không cần phải sử dụng phần mềm gì đặc biệt. Bạn nên sử dụng loại máy quét dùng dây Keyboard Wedge hoặc USB để có thể đưa dữ liệu quét được vào thẳng bất cứ phần mềm văn bản nào hoặc bất cứ trường văn bản nào cũng được. "Con nháy" trên màn hình nằm chỗ nào là dữ liệu quét được nhập vào chỗ đó.
Câu 6: Làm thế nào để quét mã vạch vào ứng dụng của tôi (không phải là 1 chương trình văn bản như Word hay Excel).
Trả lời: Đa số các loại máy quét thông dụng đều sử dụng cổng keyboard hay USB để kết nối với máy tính. Khi sử dụng các loại máy quét này dữ liệu quét sẽ được đưa trực tiếp vào trường văn bản nào đang hoạt động. Do đó dù bạn dùng bất cứ chương trình gì, miễn có các trường văn bản (text field) là dữ liệu quét có thể được đưa vào đó.
Câu 7: Tôi kết nối máy quét vào máy tính đúng như sách hướng dẫn sử dụng (dùng dây keyboard wedge), nhưng khi tôi quét mã vạch, chỉ nghe tiếng "bíp" mà không thấy xuất hiện cái gì trên màn hình Nodepad.
Trả lời: Nếu quét mã vạch mà nghe 1 tiếng "bíp" thì có nghĩa là máy quét đã quét thành công. Vấn đề là máy quét đã không đưa được dữ liệu vào máy vi tính. Bạn nên kiểm tra lại dây cáp. Thử gõ bàn phím xem còn hoạt động hay không. Nếu nó không hoạt động thì chứng tỏ các đầu tiếp xúc không tốt. Bạn nên rút các đầu cắm ra, kiểm tra và cắm lại. Khi nào cả máy quét và bàn phím cùng hoạt động tốt thì dữ liệu mới có thể đưa được vào máy vi tính.
Câu 8: Máy quét tôi đang quét tốt tự nhiên không quét được gì cả. Không có đèn báo gì cả.
Trả lời: Tình trạng này là do nguồn 5VDC không đưa được vào máy quét nên máy không có đèn báo và lẽ dĩ nhiên máy không hoạt động. Nếu máy quét dùng cổng keyboard hoặc USB thì nguồn này được lấy từ trong máy tính. Bạn nên rút dây ra, kiểm tra dây, các đầu cắm và ghim lại. Nếu máy quét dùng dây RS-232 thì có thêm 1 nguồn điện phụ từ bên ngoài, là 1 Apaptor DC cung cấp nguồn điện 5VDC. Bạn nên kiểm tra Adaptor này. Nếu đã làm hết cách mà vẫn không được thì máy đã bị hư mạch bên trong cần phải đem đi sửa chữa.
Đây là một số câu hỏi thường gặp khi bạn mua và sử dụng đầu đọc mã vạch, trên đây chỉ là 1 số câu hỏi hay gặp khi sử dụng máy, mọi thắc mắc trong quá trình sử dụng hãy gọi cho chúng tôi: 1900 55 88 29 để được giải đáp và tư vấn online miễn phí cho bạn. Chúc các bạn thành công.